Tìm
English
Thứ ba, 15/04/2025 - 11:5

Học viện Tài chính đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong bối cảnh mới
Sáng 14/4, tại TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính tham gia Hội thảo “Việc thực hiện chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” do Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức. Hội thảo là diễn đàn quan trọng nhằm đánh giá toàn diện tình hình thực thi Luật sau hơn 10 năm triển khai và thảo luận về những định hướng sửa đổi phù hợp trong bối cảnh phát triển mới.

Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu Quốc hội, đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực tài chính, kế toán, kiểm toán.

NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện Tài chính

 chụp ảnh cùng Ban Tổ chức Hội thảo

Về phía Học viện Tài chính, có NGƯT. PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Giám đốc Học viện, làm Trưởng đoàn; PGS.TS Ngô Thanh Hoàng, Trưởng ban Quản lý khoa học, đơn vị chuyên môn, nhà khoa học tham dự Hội thảo, đã đóng góp nhiều nội dung thiết thực xoay quanh việc hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao hiệu quả quản trị tài chính công.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thúy Chinh phát biểu

Chủ trì và phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thúy Chinh nhấn mạnh: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang là một trong những nhiệm vụ then chốt, gắn liền với yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sửa đổi Luật là hết sức cấp thiết nhằm tăng cường kỷ luật tài chính, phát huy hiệu quả quản lý ngân sách và bảo vệ nguồn lực quốc gia trong thời kỳ phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Theo đánh giá chung, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2013 đã tạo ra khung pháp lý quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ triển khai, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trong tổ chức thực hiện, nhất là trong bối cảnh yêu cầu quản trị tài chính công ngày càng cao.

 PGS.TS Ngô Thanh Hoàng Trưởng ban Quản lý khoa học,

 Học viện Tài chính trình bày tham luận

Đại diện Học viện Tài chính, PGS.TS Ngô Thanh Hoàng trình bày tham luận với nội dung tập trung vào những định hướng lớn cần đưa vào Luật sửa đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực quản trị công và tài chính công hiện đại. Theo đó, Học viện kiến nghị “Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần trở thành một ý thức tự giác và văn hóa ứng xử trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt trong quản lý, sử dụng tài sản công.”

Theo báo cáo rà soát và đề cương chi tiết sửa đổi Luật THTK, CLP, định hướng sửa đổi cần tập trung vào khắc phục các bất cập hiện hành, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi. Đặc biệt, Luật sửa đổi cần cụ thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường công khai - minh bạch và thiết lập các cơ chế giám sát toàn diện. Các nhóm giải pháp kiến nghị trọng tâm:

Thứ nhất, hoàn thiện khái niệm và quy định pháp lý nhằm tránh nhầm lẫn giữa “lãng phí” và vi phạm hành chính; đồng thời bổ sung quy định về “Ngày toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” như một thông điệp tuyên truyền tích cực.

Thứ hai, xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí làm định hướng dài hạn; trao quyền chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng chương trình hành động hằng năm.

Thứ ba, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình thông qua việc thành lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về THTK, CLP, quy định rõ các hình thức công khai và mở rộng vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, Mặt trận tổ quốc, báo chí và người dân.

Thứ tư, phân loại rõ ràng hành vi gây lãng phí và vi phạm trong tổ chức thực hiện; đồng thời bổ sung cơ chế bảo vệ người tố giác và miễn trách nhiệm pháp lý cho cán bộ đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Thứ năm, rà soát, loại bỏ các quy định trùng lặp với luật chuyên ngành; tập trung vào các nguyên tắc chung và cơ chế phối hợp liên ngành.

Thứ sáu, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ thực thi như hoàn thiện hệ thống định mức - tiêu chuẩn, nâng cao hiệu quả thanh tra - kiểm toán trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư công; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính - tài sản công; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để xây dựng văn hóa tiết kiệm trong toàn xã hội.

Đại diện Học viện Tài chính nhấn mạnh: “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không chỉ là khẩu hiệu mà phải trở thành hành động cụ thể, thường xuyên và có hiệu quả thực chất.” Việc sửa đổi Luật cần được đặt trong tổng thể cải cách thể chế tài chính công, hướng tới quản trị hiệu quả, minh bạch vì mục tiêu phát triển bền vững.

Học viện Tài chính khẳng định vai trò đồng hành cùng các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc nghiên cứu, tư vấn chính sách và đào tạo đội ngũ cán bộ, chuyên gia tài chính - kế toán - kiểm toán có trình độ cao, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách quốc gia.

Các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận tại hội thảo

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đến từ các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đầu ngành, đại diện các trường đại học và cơ quan quản lý đã tập trung bàn luận về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, minh bạch và có tính thực thi cao hơn trong thực tiễn.

Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng gắn với đổi mới mô hình quản lý công, tinh giản bộ máy, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phân cấp, phân quyền đi kèm với trách nhiệm giải trình trong sử dụng nguồn lực nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, số hoá toàn bộ dữ liệu về tài sản công, chi ngân sách nhà nước, đầu tư công giúp giám sát hiệu quả và phòng ngừa lãng phí từ sớm. Đồng thời, có cơ chế khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân tiết kiệm hiệu quả, có sáng kiến quản trị công.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí trong mọi hoạt động của đơn vị, bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức, chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra các hành vi gây lãng phí.

Bên cạnh đó, cần quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn, trong đó, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiết kiệm cho ngành, lĩnh vực và cho các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.

Không khí thảo luận tại hội thảo cho thấy sự đồng thuận cao trong việc cần nhanh chóng sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để phù hợp với yêu cầu phát triển mới, đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của khoa học, giáo dục và sự tham gia của toàn xã hội trong việc hiện thực hóa các quy định pháp luật vào đời sống.

Hội thảo là dịp để các cơ quan quản lý, nhà khoa học và cơ sở đào tạo như Học viện Tài chính cùng chia sẻ, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực, góp phần hoàn thiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, một công cụ quan trọng trong quản trị hiệu quả tài chính công và phát triển bền vững quốc gia.

Văn phòng Học viện
Số lần đọc: 151
Các bài đã đăng

Danh sách liên kết